Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA RÒ RỈ CHÂN KHÔNG

Trong công nghiệp sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị áp suất hoặc chân không. Do đó công việc kiểm tra độ kín khí và độ kín chân không trở nên rất cần thiết nhằm đảm bảo sự an toàn và hoạt động liên tục của thiết bị.


1. Phương pháp áp suất
   Trong phương pháp này, người ta sử dụng một áp suất cao hơn áp suất môi trường để kiểm tra rò rỉ. Phương pháp này rất thích hợp để xác định độ kín khí trong điều kiện áp suất bên trong dương, nhưng không thích hợp để xác định độ kín chân không.
   Độ nhạy của phương pháp có thể tăng lên nhờ vào một loại khí dò. Nguyên tắc hoạt động là tạo áp suất dương bên trong thiết bị cần kiểm tra bằng một loại khí dò. Nếu có rò rỉ, khí dò sẽ thoát ra ngoài tại những chỗ rò rỉ này. Bằng mắt thường hay bằng máy dò, những chỗ rò rỉ sẽ được phát hiện.
   Tuy nhiên, nếu không có khí dò, sau khi tạo áp suất dương bên trong thiết bị cần kiểm tra, dùng một cây chổi mềm và quét dung dịch xà phòng lên bề mặt của thiết bị. Nơi nào bị rò rỉ thì sẽ được phát hiện do bọt xà phòng lớn dần lên. Đôi khi nếu thiết bị nhỏ gọn, có thể thả thiết bị này vào trong một hồ nước và kiểm tra xem có bọt khí nổi lên hay không.
   Ngoài ra còn có thể kiểm tra độ rò rỉ bằng một cây nến. Người ta tạo áp suất chân không trong môi trường cần kiểm tra và cho cây nến di chuyển dọc theo thiết bị. Nếu cây nến đi qua chỗ bị rò rỉ thì ngọn lửa sẽ bị hút vào.
2. Phương pháp dò sóng áp suất bằng máy dò siêu âm
    Khi thiết bị hoặc thùng chứa được nạp đầy không khí hay khí chuyên dùng thì chúng sẽ thoát ra ngoài theo những chỗ rò rỉ và sinh ra sóng áp suất. Những sóng áp suất này được phát hiện nhờ một máy dò sóng siêu âm và chuyển đổi chúng thành tín hiệu báo động. Thiết bị này hoạt động trong dãy tần số từ 36 - 44 kHz và đa số các sóng áp suất có tần số nằm trong dãy tần số này. Phương pháp dò sóng áp suất bằng máy dò siêu âm này thường được áp dụng cho những thiết bị trong ngành hóa học.
3. Phương pháp chân không
   Phương pháp chân không dùng để xác định độ kín chân không hay kiểm tra rò rỉ không khí ở môi trường xung quanh và trong thiết bị chân không.
   Thiết bị kiểm tra được tạo chân không nhờ bơm chân không. Trong quá trình tạo chân không sẽ xảy ra hiện tượng bốc hơi do hơi nước hay các chất ô nhiễm môi trường dễ bay hơi từ thành của thiết bị. Để khắc phục hiện tượng này cần phải duy trì bơm chân không trong một khoảng thời gian dài, kết hợp với bộ ngưng tụ gắn giữa thiết bị kiểm tra và áp kế chân không. Bộ ngưng tụ này có tác dụng bảo vệ thiết bị kiểm tra tránh những ảnh hưởng của sự ngưng tụ. Các chất làm lạnh được sử dụng trong bộ ngưng tụ là: CO2 rắn, acetone hay cồn được metyl hóa.
    Phương pháp này kiểm tra sự rò rỉ bằng áp kế chân không. Vì vậy độ nhạy của áp kế chân không phải rất cao mới có thể đáp ứng được sự thay đổi áp suất rất nhỏ trong môi trường chân không.
4. An toàn trong kiểm tra
    Trước khi quyết định sử dụng một phương pháp kiểm tra nào nên xem xét kỹ lưỡng tính an toàn của phương pháp đó. Ví dụ, không thể dùng nến để kiểm tra độ kín chân không cho những thiết bị ở gần khu vực có khí hay hóa chất dễ cháy. Hoặc khi cần tạo một áp suất dương bên trong thiết bị kiểm tra, phải đảm bảo đủ độ bền, nếu không có thể sẽ làm hư hỏng cả thiết bị hay gây nguy hiểm cho con người do nổ.




( Nguồn : sưu tầm )


Liên hệ:
Name:     Mr Kiệt
    Tel:     0943 039 340
  Mail:     anhkiet0606@gmail.com                          Skype:     kietlieu.tst

0 nhận xét:

Đăng nhận xét